Facts & Questions
Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) được nhóm nghiên cứu xây dựng nhằm lý giải nguyên nhân tại sao trên cùng một lãnh thổ Việt Nam, một số tỉnh/thành lại vượt trội hơn những tỉnh/thành khác về tốc độ và chất lượng phát triển bền vững. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu thống kê từ các nguồn tin cậy, được xác thực bởi các tổ chức Chính phủ như: Niên giám thống kê của các tỉnh/thành, của các ngành; dữ liệu của Tổng cục Thống kê, của các Bộ kết hợp với những dữ liệu tin cậy khác, dễ dàng so sánh ở từng địa phương khác nhau để tính toán chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh giữa các địa phương theo thang điểm 100. Cũng như các năm trước, chỉ số PSDI bao gồm 14 chỉ số thành phần phản ánh 17 SDGs của quốc gia. Mỗi chỉ số thành phần lại bao gồm các chỉ tiêu và các chỉ tiêu thành phần phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau về phát triển bền vững. Dưới mỗi chỉ số thành phần là các chỉ tiêu được lựa chọn đại diện cho từng mục tiêu thành phần SDGs, một số chỉ tiêu trong đó bao gồm chỉ tiêu thành phần. 14 mục tiêu phát triển bền vững cấp tỉnh năm 2022 với 95 chỉ tiêu thành phần tại Việt Nam được thể hiện trong danh mục chỉ tiêu kèm theo.
Chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) được xây dựng với một số đặc điểm quan trọng tạo điều kiện để các tỉnh/thành có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện chỉ tiêu thành phần trong đo lường phát triển bền vững tại địa phương.
Thứ nhất, các chỉ tiêu thành phần được thiết kế rõ ràng, sát với từng mục tiêu, thể hiện rõ các chỉ số thành phần phát triển bền vững cấp tỉnh. Từ đó, chính quyền các địa phương có thể nhìn nhận ra vấn đề cốt lõi để đưa ra những cải cách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng của chỉ số thành phần khác nhau thay vì cố gắng nâng cao điểm của chỉ số thành phần mà tỉnh/thành không có lợi thế có sẵn so với các địa phương khác.
Thứ hai, việc chuẩn hóa điểm số từ các chỉ số thống kê giúp cho các địa phương thấy được sự chênh lệch phát triển theo chỉ số thành phần giữa các tỉnh/thành, hướng địa phương vào việc cải thiện chất lượng phát triển bền vững mà không phải tuân theo một mô hình lý tưởng nào cả. Dựa vào điểm số của các tỉnh/thành, chỉ số phát triển bền vững theo các vùng kinh tế - xã hội sẽ được tính toán và xếp hạng. Từ đó, Chính phủ có thể thấy được tiến độ phát triển bền vững của các vùng trên lãnh thổ và cần phải đưa ra những biện pháp như thế nào nhằm thúc đẩy các vùng trong phát triển bền vững.
Thứ ba, nhóm nghiên cứu đưa ra ba phương pháp xác định ngưỡng tối ưu cho các chỉ tiêu thành phần bao gồm: phương pháp theo mục tiêu phát triển bền vững, phương pháp tính trung bình 3 tỉnh/thành tốt nhất và phương pháp tính trung bình 5 tỉnh/thành tốt nhất. Trong đó, các phương pháp đều sử dụng tỷ trọng bằng nhau nhằm tính toán điểm chỉ số PSDI tổng thể dựa trên các chỉ số thành phần. Điều này cho thấy, kết quả được đưa ra thể hiện tất cả các chỉ tiêu và các chỉ tiêu này đều có tầm quan trọng như nhau trong các mục tiêu về phát triển bền vững.