PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Phương pháp xác định chỉ số PSDI được chia làm 6 giai đoạn: (1) lựa chọn các chỉ tiêu và thu thập dữ liệu; (2) kiểm duyệt giá trị cực của các chỉ tiêu; (3) xác định ngưỡng tối ưu của các chỉ tiêu; (4) cho điểm các tỉnh theo chỉ tiêu; (5) xác định tỷ trọng của các chỉ tiêu cấu thành nên điểm của chỉ số thành phần PSDI; và (6) tính điểm chỉ số PSDI.

Chi tiết của phương pháp nghiên cứu cho từng giai đoạn sẽ được mô tả dưới đây.

Giai đoạn 1: Lựa chọn các chỉ tiêu và thu thập dữ liệu

Bước 1: Lựa chọn chỉ tiêu

Để lựa chọn các chỉ tiêu, nhóm nghiên cứu căn cứ vào nội dung các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới, Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và hệ thống văn bản pháp lý được Chính phủ Việt Nam ban hành tại các thông tư, nghị định và quyết định về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu này cũng được nhóm đánh giá về tính phù hợp và kịp thời dựa trên dữ liệu thu thập. Các căn cứ cụ thể bao gồm:

- Căn cứ vào các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới;

- Căn cứ vào Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ với 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững, 115 mục tiêu cụ thể và một hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện;

- Căn cứ vào Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030;

- Căn cứ vào Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững;

- Căn cứ vào tính sẵn có của số liệu: Để đảm bảo ý nghĩa, các chỉ tiêu chỉ được đưa vào tính toán khi dữ liệu về các chỉ tiêu này có thể được thu thập ít nhất cho 80% số tỉnh/thành trên cả nước. Trong trường hợp dữ liệu không được công bố thường xuyên và chưa được cập nhật mới nhất đến năm đánh giá, nhóm tác giả sẽ sử dụng dữ liệu của năm gần nhất;

- Căn cứ vào tính phù hợp của dữ liệu trong đo lường phát triển bền vững cấp tỉnh; nghĩa là các chỉ tiêu phải có liên quan đến việc giám sát thành tích về SDGs, được áp dụng cho toàn bộ các tỉnh/thành và có khả năng so sánh giữa các tỉnh/thành. Đặc biệt, các chỉ tiêu này cho phép xác định các ngưỡng điểm nhằm biểu thị thành tích về phát triển bền vững của tỉnh/thành đó;

- Căn cứ vào khả năng thay thế: Nhóm tác giả sẽ thay thế một số chỉ tiêu không đảm bảo tính sẵn có của số liệu bằng các chỉ tiêu khác tương đương.

Chỉ số PSDI được cấu thành từ 14 chỉ số thành phần, tương đương với 14 mục tiêu phát triển bền vững. Ba mục tiêu phát triển bền vững không được đo lường trong chỉ số PSDI bao gồm:

  • 1) SDG7: Năng lượng sạch và giá thành hợp lý;
  • 2) SDG13: Hành động về khí hậu;
  • 3) SDG14: Tài nguyên và môi trường biển.

Chỉ số PSDI không bao gồm các mục tiêu này do hệ thống chỉ tiêu thống kê địa phương không đảm bảo tính đầy đủ về dữ liệu cho việc đo lường, tính toán kết quả thực hiện các chỉ tiêu này. Đặc biệt, đối với Mục tiêu 14, do tỷ lệ tỉnh/thành có biển của Việt Nam chỉ đạt 28/63, do đó việc xếp hạng bao gồm mục tiêu này là không phù hợp.

Với phương pháp luận như trên, nhóm tác giả đã xây dựng 14 chỉ số thành phần PSDI, tương đương với 95 chỉ tiêu làm căn cứ nhằm đo lường chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh của Việt Nam. Một số chỉ tiêu được tính toán, tổng hợp dựa trên số liệu của các chỉ tiêu thành phần ở các mức thấp hơn.

Bước 2: Thu thập số liệu các chỉ tiêu

Sau khi đã xác định được các chỉ tiêu, nhóm tác giả thực hiện thu thập dữ liệu phục vụ tính toán điểm của các chỉ tiêu đó.

Thứ nhất, về chất lượng nguồn dữ liệu, bộ dữ liệu mà nhóm thu thập sẽ được phân chia theo từng chỉ tiêu trong từng chỉ số thành phần PSDI, được tổng hợp từ các nguồn chính thức trong nước như: các cơ quan thống kê quốc gia, các đơn vị thống kê của các Bộ, ban, ngành...; hoặc các nguồn có uy tín khác, chẳng hạn như dữ liệu từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, ngân hàng, doanh nghiệp hay dữ liệu thu thập được từ các bộ chỉ số khác (PAPI, PCI, POBI...).

Dữ liệu từ các nguồn không chính thức được sử dụng để thu hẹp khoảng cách về dữ liệu so với việc chỉ sử dụng nguồn thống kê chính thức, được sử dụng trong PSDI để đánh giá một số chỉ tiêu trong chỉ số thành phần PSDI7 về đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; hay chỉ số thành phần PSDI13 về thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, bình đẳng vì phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; những vấn đề mà ở các báo cáo về số liệu của các cơ quan thống kê chưa thể tổng hợp hết.

Thứ hai, năm tham chiếu của dữ liệu được đưa vào PSDI nằm trong giai đoạn các năm gần nhất, với mỗi chỉ tiêu khác nhau trong PSDI thì năm tham chiếu cũng khác nhau tùy thuộc vào loại dữ liệu. Ví dụ, trong PSDI 2022, các dữ liệu năm 2019 và năm 2020 chủ yếu nằm ở một số ít chỉ tiêu về y tế, dân số và xã hội do chưa có sự cập nhật từ các cuộc tổng điều tra của các đơn vị thống kê, hay của các bộ, ban, ngành. Những dữ liệu từ các năm cũ này chiếm khoảng 27% toàn bộ các chỉ tiêu (trong đó, số liệu năm 2019 chỉ chiếm 4%), 73% số liệu còn lại được nhóm nghiên cứu thống kê và cập nhật nhất đến năm 2021 và năm 2022.

Giai đoạn 2: Kiểm duyệt giá trị cực của các chỉ tiêu

Sau khi đã xác định được các chỉ tiêu của các chỉ số thành phần PSDI và thu thập dữ liệu phục vụ nghiên cứu các chỉ tiêu đó, nhóm tác giả tiến hành xác định giá trị cực của các chỉ tiêu. Để loại bỏ ảnh hưởng của các giá trị cực (có thể ảnh hưởng tới tính chính xác của chỉ số tổng hợp), nhóm tác giả dựa theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2016) về kỹ thuật thống kê các chỉ tiêu và mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đã đề xuất chuẩn hóa số liệu bằng cách lựa chọn giá trị ở phân vị 2,5 là giá trị thấp nhất của chỉ tiêu. Nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp này như là ngưỡng tối thiểu của dữ liệu để kiểm duyệt, tất cả dữ liệu có ngưỡng thấp hơn phân vị 2,5 đều sẽ bị loại bỏ.

Giai đoạn 3: Xác định ngưỡng tối ưu của các chỉ tiêu

Sau khi đã xác định được ngưỡng tối thiểu là phân vị 2,5, nhóm tác giả tiến hành xác định ngưỡng tối ưu cho các chỉ tiêu. Nhằm xác định ngưỡng tối ưu (điểm tuyệt đối) của chỉ tiêu, tác giả áp dụng phương pháp xác định theo đề xuất của Lafortune và cộng sự (2018), với sự tham khảo nghiên cứu của Sachs và cộng sự (2017). Nhóm nghiên cứu tuân theo sơ đồ 5 bước như sau:

1) Sử dụng ngưỡng định lượng tuyệt đối theo các mục tiêu phát triển bền vững: Nếu mục tiêu đề cập tới ngưỡng tuyệt đối như: không còn nạn đói, đảm bảo tất cả các trẻ em tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở... thì ngưỡng tuyệt đối này được sử dụng như là ngưỡng tối ưu của chỉ tiêu.

2) Nếu mục tiêu không cụ thể yêu cầu giảm thiểu hoặc tăng trưởng về một vấn đề, cần áp dụng nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau” để đặt ra ngưỡng tối ưu đối với khả năng tiếp cận của toàn tỉnh/thành.

3) Khi mục tiêu yêu cầu phải đạt được một vấn đề vào năm 2030 hoặc muộn hơn, có thể sử dụng các mục tiêu này để đặt 100% cho ngưỡng tối ưu (Ví dụ: không còn hộ dân thu nhập dưới 2.000 USD/năm tại tỉnh, thành đến năm 2050 nhằm giảm nghèo 100%).

4) Nếu một địa phương đã vượt qua yêu cầu của mục tiêu, có thể sử dụng mức điểm trung bình của 5 địa phương đứng đầu là ngưỡng tối ưu (Ví dụ như các chỉ tiêu về tăng trưởng GRDP và GRDP bình quân đầu người).

5) Đối với các chỉ tiêu còn lại, sử dụng mức trung bình của 3 địa phương xếp đầu làm ngưỡng tối ưu.

Nhìn chung, có khoảng 20% các chỉ tiêu có ngưỡng tối ưu dựa trên ngưỡng tuyệt đối của mục tiêu phát triển bền vững, 15% số lượng chỉ tiêu xác định ngưỡng tối ưu dựa vào phương pháp lấy trung bình 5 tỉnh tốt nhất và 65% số lượng chỉ tiêu xác định ngưỡng tối ưu dựa vào phương pháp lấy trung bình 3 tỉnh tốt nhất.

Giai đoạn 4: Cho điểm các tỉnh theo chỉ tiêu

Để đảm bảo tính so sánh giữa các chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu sẽ được tính điểm từ 0 đến 100, với 0 điểm thể hiện mức độ thực hiện kém nhất (theo ngưỡng tối thiểu ở phân vị 2,5) và 100 điểm thể hiện mức độ tối ưu (theo ngưỡng tối ưu).

Việc lựa chọn giá trị tối ưu và kiểm duyệt giá trị cực ở cả hai cực phân phối ảnh hưởng tới việc cho điểm chỉ tiêu, từ đó ảnh hưởng tới xếp hạng của các địa phương. Việc thay đổi tỷ lệ thường rất nhạy cảm với việc lựa chọn giới hạn và giá trị ngưỡng ở cả hai phía của cực phân phối. Ngưỡng sau khi thay đổi tỷ lệ có thể trở thành ngưỡng ngoài ý muốn và tạo ra sự biến đổi giả mạo về chất lượng của dữ liệu (OECD và JRC, 2016). Do đó, việc lựa chọn ngưỡng tối thiểu và ngưỡng tối ưu có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tương đối của các tỉnh/thành trong việc xác định các chỉ tiêu và mục tiêu phát triển bền vững.

Trong nghiên cứu này, mỗi chỉ tiêu sẽ được kiểm duyệt nhằm đảm bảo rằng, tất cả các giá trị vượt ngưỡng tối ưu sẽ có điểm 100 và các giá trị thấp hơn ngưỡng tối thiểu sẽ có điểm số bằng 0. Sau khi xác định ngưỡng, điểm của các chỉ tiêu (thành phần) của tỉnh/thành được chuyển đổi tuyến tính theo thang điểm từ 0 đến 100 bằng cách sử dụng công thức cho điểm như sau:

Gioi thieu Phuong Phap Nghien Cuu page image
(1)

Trong đó: x là giá trị dữ liệu thô; max/min biểu thị giới hạn ngưỡng cho hiệu suất tốt nhất và kém nhất tương ứng; x’ là điểm số cho chỉ tiêu của tỉnh/thành.

Việc cho điểm như trên đảm bảo rằng, tất cả các chỉ tiêu được cho điểm theo xu hướng tăng dần (điểm số cao hơn thể hiện tỉnh đang thể hiện tốt hơn). Thông qua việc tính điểm, các chỉ tiêu (thành phần) trở nên dễ dàng so sánh và giải thích, ví dụ một tỉnh/thành đạt điểm số 50 trên một chỉ tiêu (thành phần) là đi được một nửa chặng đường hướng tới việc đạt được giá trị tối ưu cho chỉ tiêu về phát triển bền vững đó. Trên cơ sở này, nhóm tác giả có thể tích hợp điểm của các chỉ tiêu (thành phần) trở thành điểm của chỉ số thành phần PSDI, phục vụ việc đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển bền vững của các tỉnh.

Giai đoạn 5: Xác định tỷ trọng điểm của các chỉ tiêu cấu thành nên điểm của chỉ số thành phần PSDI

Để xác định được điểm số của một mục tiêu PSDI, các chỉ tiêu cấu thành cần được tính tỷ trọng và sau đó tổng hợp lại; tương tự, tiếp tục tổng hợp các mục tiêu để cấu thành nên chỉ số PSDI. Việc xác định tỷ trọng điểm cho các chỉ tiêu mang một ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá thực trạng hành động vì phát triển bền vững của các tỉnh/thành cũng như thứ hạng của địa phương trên bảng xếp hạng tổng. Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra bốn cách tiếp cận chính trong việc xác định tỷ trọng, bao gồm:

1) Tỷ trọng bằng nhau: Ở cấp độ mục tiêu, điều này được chứng minh bởi thực tế là tất cả các mục tiêu phát triển bền vững được coi là có tầm quan trọng như nhau trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Chính vì vậy, ở cấp độ địa phương, các chỉ tiêu có tỷ trọng bằng nhau trong việc tích hợp chỉ số thành phần PSDI, từ đó chỉ số thành phần này cũng sẽ có tỷ trọng bằng nhau trong việc tích hợp chỉ số PSDI của một địa phương.

2) Tỷ trọng toán học: Tỷ trọng toán học thu được từ việc phép phân tích thành phần chính (PCA) thường được sử dụng để gán tỷ trọng cho các biến riêng lẻ có tương quan với nhau và đo lường một yếu tố cơ bản chung. Theo nghiên cứu của OECD (2014), mặc dù hầu hết các SDGs đều đo lường một bộ chính sách bổ sung rộng rãi (SDG3, SDG4, SDG9) nhưng vẫn có những ngoại lệ đáng chú ý ngăn cản việc có một cách tiếp cận nhất quán để thiết lập các tỷ trọng thay đổi về mặt toán học cho tất cả các mục tiêu. Ví dụ, SDG2 (Xóa đói) kết hợp ít nhất ba yếu tố khác nhau không tương quan với nhau (suy dinh dưỡng, béo phì và nông nghiệp bền vững). Sử dụng các biện pháp hiện có, kết quả tương tự áp dụng cho các mục tiêu khác đã chỉ ra rằng, không thể được ước tính bằng phương pháp PCA này nếu không có sự tương quan giữa các chỉ tiêu. Mức độ không đồng nhất trong một số mục tiêu đã chỉ ra việc ấn định tỷ trọng về mặt toán học sẽ yêu cầu khái niệm hóa thêm nội dung của SDGs (tức là chuyển các thước đo không tương quan sang các mục tiêu khác bất chấp mục tiêu chính thức đã được chỉ ra) không phù hợp với mục đích của nghiên cứu này.

3) Tỷ trọng chuyên gia: Kết quả của hội thảo PSDI 2020 có sự tham vấn từ ý kiến chuyên gia về dự thảo trước đó của báo cáo đã cho thấy rõ rằng, không có sự đồng thuận giữa các tổ chức về việc ấn định tỷ trọng nào cao hơn hay thấp hơn cho một số chỉ tiêu (thành phần) hay chỉ số thành phần PSDI.

4) Tỷ trọng linh hoạt: Nghiên cứu của OECD (2015) chỉ ra rằng, một số mục tiêu SDGs cho phép lựa chọn các tỷ trọng cho các chỉ tiêu thành phần. Phương pháp tính tỷ trọng linh hoạt như vậy có thể thích hợp cho các thước đo của các chỉ tiêu về sức khỏe bởi vì mỗi người sẽ có trải nghiệm chủ quan khác nhau về vấn đề sức khỏe đó. Hơn nữa, tỷ trọng linh hoạt có thể khuyến khích các tỉnh/thành “chọn lọc” các chỉ tiêu dễ đạt được hơn và bỏ qua các chỉ tiêu quan trọng khác cũng đòi hỏi phải cải thiện. Vì những lý do này, nhóm tác giả cho rằng, tỷ trọng linh hoạt không phù hợp với mục tiêu của PSDI.

Với những phân tích như trên, cùng với các nghiên cứu phổ biến hiện nay như nghiên cứu của McKinley (2012) và Lafortune (2018), nhóm tác giả sử dụng phương pháp tỷ trọng bằng nhau trong việc xác định điểm số của các chỉ tiêu (thành phần) cấu thành nên điểm của chỉ số thành phần PSDI.

Giai đoạn 6: Tính điểm chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh PSDI

Để tổng hợp điểm chỉ số PSDI, nhóm tác giả đã sử dụng công thức tính giá trị trung bình cộng vì mỗi chỉ số thành phần sẽ mô tả một tập hợp các ưu tiên chính sách bổ sung rộng rãi. Điều này ngụ ý rằng, các tỉnh/thành không cần quan tâm đến việc cải thiện bất kỳ chỉ tiêu riêng biệt nào. Công thức này phù hợp với phương pháp của nhóm tác giả để xác định tỷ trọng khi mỗi chỉ tiêu (thành phần) đều có tỷ trọng bằng nhau. Công thức trung bình cộng cụ thể như sau:

Gioi thieu Phuong Phap Nghien Cuu page image
(2)

Trong đó: Lijkthể hiện điểm số của chỉ tiêu k trong chỉ số thành phần PSDI j cho địa phương i; Nij thể hiện số lượng chỉ tiêu của PSDI j.

Công thức trung bình cộng có ưu điểm là dựa trên thang điểm từ 0 đến 100 phản ánh vị trí trung bình ban đầu của tỉnh/thành xếp hạng kém nhất và tốt nhất trong việc thực hiện 14 mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Chỉ số PSDI cho mỗi địa phương được xác định bằng công thức:

Gioi thieu Phuong Phap Nghien Cuu page image
(3)

Trong đó: Ii là chỉ số PSDI cho địa phương i; N ithể hiện số lượng chỉ số thành phần, Nij là số điểm cho chỉ số thành phần PSDI j đối với địa phương i và Iijk biểu thị điểm của chỉ số k trong chỉ số thành phần PSDI j cho địa phương đó.